- Review hồi ký Được Học của Tara Westover - Cuốn sách yêu thích của Bill Gates
- Review sách Khởi Nghiệp Kinh Doanh Online: Bí kíp kinh doanh trực tuyến thời 4.0
- Review sách Con bò tía: Huyền thoại tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh
Có một quy tắc mà chúng ta đều nên ngầm hiểu rằng trên đời này không một bữa ăn nào là miễn phí. Nếu bạn muốn thành công thì bạn phải hi sinh, nếu bạn muốn hạnh phúc thì bạn phải đấu tranh, nếu muốn được tự do thì phải dũng cảm, nếu muốn được nhận lại thì hãy cho đi. Điều quan trọng chúng ta cần phải hiểu là cái giá để đánh đổi cho bữa ăn đó là bao nhiêu.
Cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí của tác giả Alan Phan sẽ giúp chúng ta nhìn toàn cảnh vấn đề, đồng thời đưa ra một số giải pháp từ góc nhìn của vị tiến sĩ kinh tế để chúng ta – những người trẻ, đứng lên thay đổi tình hình.
Tác giả cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí
Không có bữa ăn nào miễn phí là tác phẩm của giảng viên, doanh nhân, nhà phân tích kinh tế Alan Phan (tên thật là Phan Việt Ái). Ông cũng là một nhà đầu tư xuất chúng khi là người Việt đầu tiên đưa công ty Harcourt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997 và đạt thị giá 700 triệu USD vào năm 1999.
Trong 70 năm cuộc đời, tiến sĩ Alan Phan đã dành tới 42 năm bôn ba tại Mỹ và Trung Quốc để làm kinh doanh. Người ta ví Alan Phan như Fukuzawa Yukichi (tác giả sách Khuyến Học) của Việt Nam bởi tư duy rộng mở, luôn có ý thức vươn lên làm giàu bởi chính sức lực cá nhân, với mục đích cao đẹp là hướng tới “dân giàu, nước mạnh”.
Alan Phan sinh năm 1945, mất năm 2015, ông để lại di sản 11 cuốn sách cho độc giả cùng rất nhiều bài viết giá trị: Sách Góc Nhìn Alan – Dành Tặng Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu, Bí mật Phan Thiên Ân…
Nội dung cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí
Cuốn Không có bữa ăn nào miễn phí là tổng hợp những bài phân tích của tác giả Alan Phan trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, giúp bạn đọc hiểu thêm về kinh tế, quản trị, làm giàu và đầu tư. Những chương cuối của cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí vẫn đan xen vào đó những chiêm nghiệm của tác giả về những khía cạnh khác của cuộc đời, đó là bài học làm cha, là giấc mơ hạnh phúc hay những quan điểm của ông về tiền bạc, cho và nhận,…
Nội dung chi tiết sách Không có bữa ăn nào miễn phí
Phần 1: Căn bản đạo đức
Trong phần 1 của Không có bữa ăn nào miễn phí, Alan Phan đề cập tới khái niệm Tài sản mềm của Việt Nam và Mỹ. Tài sản mềm không đong đếm bằng số lượng. Đối với con người, đó là sự năng động, sáng tạo. Đối với đất nước, đó là thương hiệu quốc gia. Trong một xã hội, đó là nền văn hóa mà con người tạo dựng. Tài sản mềm xuất hiện trong mọi lĩnh vực, đó là tiềm năng, là bước đà để cả dân tộc có thể tạo cú hích thay đổi hiện tại.
Do đó, chúng ta cần đi theo 5 nguyên lý cho một nền kinh tế thực:
- Dân có giàu, nước mới mạnh
- Phải có phủ định mới có sáng tạo
- Giá thị trường luôn luôn chiến thắng
- Giấy tờ hay lời nói không thể sản xuất được giá trị
- Cha chung không ai khóc - OPM muôn năm (Other People's Money - tiền của người khác)
Phần này tác giả cũng dành một chương đặt câu hỏi cho “thế hệ 9X làm quan hay làm ăn” và đưa ra giải pháp “giấu bụi dưới thảm” có thể ứng dụng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để chúng ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”, chúng ta cần thay đổi những thói quen và định kiến thủ cựu. Người dân thì chủ động hơn trong lĩnh hội tri thức, chính phủ cũng cần tạo hành lang thuận lợi cho người dân làm ăn bằng cách điều chỉnh thuế khóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Phần 2: Vấn nạn kinh tế – xã hội
Trong phần này, sách Không có bữa ăn nào miễn phí đặt ra những câu hỏi cho nền kinh tế Việt Nam, về mô hình kinh doanh, về ban quản trị, kế hoạch tiếp thị hay hiệu quả tài chính,…
Alan Phan chỉ ra hai điểm yếu chết người của doanh nghiệp Việt Nam. Đó là khả năng quản trị tài chính và rủi ro về đạo đức, kỷ cương. Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải tìm ra giải pháp cho các nhu cầu quản trị tài chính và đặt ra tầm nhìn trung/dài hạn để cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Trong bài “Lạm phát các mác thành đạt”, tác giả chỉ ra thực trạng nhiều doanh nghiệp vội vàng đầu tư đa ngành mà không tập trung chấn chỉnh doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu bền vững. Dù bài viết trong cuốn Không có bữa ăn nào miễn phí ra đời cách đây khá lâu nhưng vẫn có giá trị thực tế ở thời điểm hiện tại.
Phần 3: Tư duy về giải pháp
Bài đầu tiên của phần 3 có tựa “Hãy để chúng chết đi”. Theo tác giả, khi doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào khủng hoảng, giải pháp lúc đó là hãy tuân theo quy luật tự nhiên. Khi bị đẩy vào đường cùng, doanh nghiệp sẽ huy động hết khả năng sáng tạo và tự đẩy mình lên phía trước.
“Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ồn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chính hay hành chính. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.”
Phần này cũng phân tích các cơ hội làm giàu, đó là các thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng, các giải pháp tiếp cận nguồn vốn, những liên tưởng giữa cờ bạc và làm giàu,..
Tóm lại, theo cuốn Không có bữa ăn nào miễn phí, cơ hội làm giàu và tiếp cận nguồn vốn có ở khắp nơi. Các cơ hội kinh doanh luôn tồn tại, điều quan trọng là chúng ta phải có động lực, lòng tham, ngọn lửa trong người; phải biết lợi thế cạnh tranh của mình là gì; phải tích lũy kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức; đương nhiên là cả một sức khỏe tốt để đối phó với áp lực phát sinh từ công việc.
Phần 4: Góc nhỏ bình yên
Bỏ lại sau lưng sóng gió thương trường, tác giả Alan vẫn không quên nhắc nhở chúng ta tận hưởng những vẻ đẹp của hiện tại. Là một Việt kiều với hơn 40 năm xứ người, ông vẫn không quên những tháng ngày tuổi thơ ở Việt nam, những tháng năm hạnh phúc là tiền đề để vươn ra biển lớn và thành công ở xứ người.
Phần cuối sách là suy tư của tác giả về tiền bạc, của cải và cả những “phúc lộc không tiền”. Những bài học về cho và nhận cũng được tác giả chia sẻ rất chân thành.
Một đại gia Mỹ có nói: “We work to make a living. We give to make a life”. Hiểu theo nghĩa bóng, chúng ta phải “nhận” để sống còn, nhưng chúng ta phải “cho” để tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn cho mình.
Review sách Không có bữa ăn nào miễn phí
Giống như mọi cuốn sách khác của Alan Phan, cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí cũng đưa ra những chia sẻ sâu rộng về nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến những câu chuyện cá nhân. Đọc sách mới thấy, tác giả tuy là một doanh nhân mạnh mẽ trên thương trường nhưng cũng là một người dân yêu nước, một người cha yêu con.
Điều thú vị trong những cuốn sách của Alan Phan là giọng văn không hề đao to búa lớn mà rất gần gũi và hóm hỉnh. Ông làm cho những vấn đề khô khan như kinh tế và chính trị cũng trở nên dễ tiếp thu.
Lời kết - Review sách Không có bữa ăn nào miễn phí
Cuốn sách Không có bữa ăn nào miễn phí giúp chúng ta nuôi những hy vọng về một đất nước vững vàng với những con người dám dũng cảm, dám dấn thân. Thành công lớn bắt đầu từ những bước nhỏ, đó là sự thay đổi xuất phát từ bộ máy kinh tế lẫn tư duy con người.
Hãy đọc sách và tự trả lời câu hỏi ấy với bản thân mình, đó cũng là vai trò của mỗi chúng ta đối với đất nước này, bằng những hành động cụ thể dù nhỏ bé.
Để lại bình luận
5