1. Câu chuyện Con vẹt - Ai là người có giá trị nhất?

Một người đi mua vẹt, anh ta nhìn thấy một con vẹt ở trước có bảng ghi: Con vẹt này nói được hai thứ tiếng, giá 200 đô la. Một con vẹt khác thì ở trước mặt có bảng viết: Con vẹt này nói được 4 thứ tiếng, giá 400 đô la. Vị khách phân vân không biết nên mua con nào?

Cả hai con đều có màu lông tươi tắn, hơn nữa rất linh hoạt đáng yêu. Vị khách lưỡng lự, chưa thể quyết định. Đột nhiên, anh nhìn thấy một con vẹt già mất răng, màu lông u tối lộn xộn, nhưng có giá là 800 đô la. Vị khách nhanh chóng gọi ông chủ tới hỏi: “Có phải con vẹt này nói được 8 thứ tiếng không?”.

Chủ cửa hàng nói: “Không”.

Vị khách cảm thấy kỳ quái: “Vậy tại sao nó vừa già vừa xấu, cũng không có biệt tài gì, lại đáng giá đến số tiền này?”.

Người bán hàng trả lời: “Bởi vì hai con vẹt kia phải gọi con vẹt này là ông chủ”.

Câu chuyện này nói cho chúng ta biết rằng, một người chủ quản chân chính, không nhất định phải có năng lực bản thân nhiều bao nhiêu, chỉ cần anh ta biết tín nhiệm, biết uỷ quyền, biết trân quý, liền có thể kết nối để tạo nên sức mạnh, từ đó tăng lên giá trị của bản thân mình. Ngược lại, có rất nhiều người năng lực mạnh phi thường nhưng bởi vì quá chủ nghĩa hoàn mỹ, mọi việc phải tự làm, người nào cũng cho không bằng mình, cuối cùng chỉ có thể làm nhân viên tốt, hoặc đại diện bán hàng, chứ không thể trở thành người chủ quản ưu tú.

Ai là người có giá trị nhất? Đọc 3 câu chuyện ngắn dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời
Ai là người có giá trị nhất?

2. Câu chuyện Kim nhân (người vàng) - Ai là người có giá trị nhất?

Xưa có một tiểu quốc đến một nước lớn cống nạp ba bức kim nhân, là ba bức tượng người đúc bằng vàng giống hệt nhau, tỏa ra màu vàng lấp lánh khiến hoàng đế rất vui mừng. Nhưng tiểu quốc này cũng thật oái oăm, lại đồng thời đặt ra một câu hỏi: “Trong ba bức kim nhân này, bức nào đáng giá nhất?”

Hoàng đế nghĩ ra nhiều cách, mời thợ kim hoàn đến kiểm tra, cân đo, xem tay nghề, kết luận là chúng đều giống hệt nhau. Vậy phải làm sao bây giờ? Sứ giả vẫn chờ câu trả lời để trở về báo tin. Lẽ nào một đại quốc mênh mông, mà một điều nhỏ nhặt này cũng không biết?

Cuối cùng, có một vị lão đại thần đã cáo lão về quê nói rằng ông có cách. Hoàng đế bèn sai người mời ông đến đại điện. Lão đại thần này cầm ba cây rơm, cắm cây thứ nhất vào lỗ tai bức tượng vàng thứ nhất, cây rơm này sau đó chui ra từ lỗ tai còn lại. Bức tượng vàng thứ hai thì cây rơm chui ra từ miệng, còn bức tượng vàng thứ ba thì cây rơm rơi xuống bụng, một tiếng động cũng không có.

Lão đại thần nói: “Bức kim nhân thứ ba là có giá trị nhất!”. Sứ giả yên lặng không nói được gì, vì đó là đáp án chính xác.

Câu chuyện này nói cho chúng ta biết rằng, người có giá trị nhất, không nhất định là người có thể nói nhiều nhất. Ông trời ban cho chúng ta hai lỗ tai và một cái miệng, vốn chính là để chúng ta nghe nhiều nói ít. Giỏi lắng nghe, đây là tố chất cơ bản của một người trưởng thành.

Ai là người có giá trị nhất? Đọc 3 câu chuyện ngắn dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời
Ai là người có giá trị nhất?

3. Câu chuyện Chia cháo - Ai là người có giá trị nhất?

Có bảy người đã từng sống cùng nhau, mỗi ngày chia nhau một nồi cháo lớn. Điều đáng nói là cháo mỗi ngày đều không đủ. Đầu tiên, họ bốc thăm để quyết định xem ai sẽ là người chia cháo, sau đó thay phiên nhau theo vòng như vậy, mỗi ngày một người. Kết quả là mỗi tuần, bọn họ chỉ có một ngày để được no bụng, đó chính là ngày chia cháo.

Về sau, họ bắt đầu chọn một người có đạo đức cao thượng đứng ra chia cháo. Nhưng quyền lực sẽ sinh ra hủ bại, mọi người bắt đầu vắt óc tìm mưu tính kế để có thể làm vui lòng người chia cháo, hối lộ ông ta, khiến cho cả nhóm nhuốm đầy khói đen chướng khí. Sau đó, họ bắt đầu lập thành ủy ban ba người chia cháo và ủy ban bốn người bình chọn, công kích lẫn nhau cãi cọ lên xuống, đến lúc cháo ăn vào miệng thì đều đã nguội lạnh.

Cuối cùng họ nghĩ ra được một phương pháp: Thay phiên chia cháo, nhưng người chia cháo phải chờ chia xong cho tất cả người khác, phần còn lại mới là của mình.  Vì không để bản thân phải ăn ít nhất, nên mỗi người đều tận lực chia đồng đều, rất công bằng. Mọi người đều rất vui vẻ và thân thiện, ngày càng sống với nhau hòa thuận.

Cũng giống như câu chuyện chia cháo của bảy người này, chế độ phân phối khác nhau sẽ dẫn đến bầu không khí khác nhau. Vì vậy, nếu một đơn vị có thói quen làm việc không tốt, thì nhất định là vấn đề cơ chế, nhất định là không có công bằng công chính công khai, không có thưởng phạt nghiêm ngặt. Làm thế nào để định ra một chế độ kiểu này, là một vấn đề mà mọi cấp quản lý và ông chủ cần phải xem xét.

3, Theo Reviview 365 tổng hợp