- Cao huyết áp là gì? Những điều cần biết về căn bệnh này
- Những hiểu lầm và sự thật về việc tăng cholesterol bạn cần biết
- 15 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị bệnh tiểu đường
Rối loạn chuyển hóa là một vấn đề nghiêm trọng, thường liên quan đến tình trạng kháng insulin, khiến cơ thể không dung nạp được glucose và dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, rối loạn chuyển hóa có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường hoặc cao huyết áp.
Bệnh rối loạn chuyển hóa là gì?
Rối loạn chuyển hóa là tập hợp một nhóm các yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp cao, mỡ bụng, mức đường huyết và cholesterol cao trong máu xảy ra đồng thời trong cơ thể và làm tăng khả năng mắc các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim hoặc đột quỵ.
Các triệu chứng của rối loạn chuyển hóa
Khi bị rối loạn chuyển hóa, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng sau, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Lờ đờ
- Khát nước
- Vàng da
- Chu vi vòng eo lớn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Co giật
Các triệu chứng này sẽ thay đổi theo mỗi loại rối loạn chuyển hóa khác nhau. Cụ thể, có bốn loại triệu chứng chính, bao gồm:
- Triệu chứng cấp tính
- Triệu chứng cấp tính khởi phát muộn
- Triệu chứng chung tiến triển
- Triệu chứng vĩnh viễn
Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn cho sức khỏe.
Các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa có liên quan chặt chẽ tới bệnh béo phì hoặc ít vận động cơ thể. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác có thể dẫn tới tình trạng này là kháng insulin - hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, có chức năng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ở những người bị kháng insulin, các tế bào phản ứng bất thường với insulin, vì vậy cơ thể sẽ không dụng nạp được glucose. Kết quả là lượng đường trong máu tăng ngay cả khi cơ thể cố gắng tiết ra nhiều insulin để giảm lượng đường huyết.
Bên cạnh nguyên nhân chính trên, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa, bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa càng tăng.
- Chủng tộc: người gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là phụ nữ của nước này thường có nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa cao hơn so với các nước khác.
- Béo phì: chỉ số BMI > 23, đặc biệt gia tăng kích thước mỡ bụng cũng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa.
- Bệnh tiểu đường: bạn sẽ có khả năng cao mắc rối loạn chuyển hóa nếu bị tiểu đường thai kỳ hoặc trong gia đình có tiền sử bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Các bệnh lý khác: nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa sẽ cao hơn nếu bạn từng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng huyết áp, hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc buồng trứng đa nang.
Chẩn đoán rối loạn chuyển hóa
Bác sĩ sẽ chẩn đoán rối loạn chuyển hóa thông qua các đặc điểm sau của bệnh nhân, bao gồm:
- Vòng eo lớn: khi lượng chất béo dư thừa tích tụ xung quanh ổ bụng và dạ dày sẽ làm tăng kích thước vòng eo. Đối với nữ giới là 35 inch (89cm) và nam giới là 40 inch (102cm)
- Mức chất béo trung tính cao: khoảng 150 miligam mỗi decilit (mg/dL), hoặc 1,7 milimol mỗi lít (mmol/L) chất béo trung tính được tìm thấy trong máu.
- Giảm cholesterol tốt hoặc HDL: thực hiện xét nghiệm cho thấy nồng độ cholesterol tốt bị giảm xuống dưới 40 mg/dL (1,04 mmol/L) ở nam giới và dưới 50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở nữ giới.
- Huyết áp tăng: chỉ số huyết áp tăng 130/85 mmHg hoặc cao hơn.
- Tăng mức đường huyết lúc đói: 100 mg/dL (5,6 mmol/L) hoặc cao hơn.
Điều trị rối loạn chuyển hóa như thế nào?
Các biện pháp điều trị rối loạn chuyển hóa thường tập trung chủ yếu vào việc giải quyết từng tình trạng trong nhóm nguy cơ, bao gồm huyết áp cao, mỡ bụng, mức cholesterol và lượng đường trong máu cao. Mục tiêu chính của điều trị là giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, bệnh mạch máu, cũng như bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, biện pháp điều trị tốt nhất dành cho hội chứng chuyển hóa nằm ở chính bản thân người bệnh. Một trong những cách điều trị đầu tiên mà bác sĩ đề xuất là thay đổi lối sống, tạo dựng thói quen lành mạnh, từ đó giúp loại bỏ hoàn toàn các yếu tố rủi ro cho sức khỏe.
1. Thay đổi lối sống
- Tập thể dục: đây là một biện pháp tuyệt vời giúp bạn giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, việc luyện tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể các tình trạng như cao huyết áp, kháng insulin hoặc mức cholesterol cao. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng mọi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy chậm rãi và thử các bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,...Khi đã quen dần với những hoạt động thể chất này, bạn có thể tiếp tục tăng dần mức độ luyện tập và thực hiện với tần suất đều đặn vào hầu hết các ngày trong tuần.
- Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh có thể cải thiện được mức huyết áp, mức cholesterol và tình trạng kháng insulin ngay cả khi cân nặng của bạn không thay đổi.
- Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ một chế độ dinh dưỡng nào. Nhất là những người bị bệnh tim hoặc tiểu đường cần phải có một kế hoạch ăn uống đặc biệt, bao gồm ít chất béo bão hòa, cholesterol, muối, bổ sung nhiều loại trái cây, rau củ, sữa ít béo, protein nạc, đậu và các loại ngũ cốc.
- Giảm cân: theo các nghiên cứu cho biết, khi giảm khoảng 7%-10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áo và kháng insulin.
- Từ bỏ thuốc lá: mặc dù đây không phải là yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng chuyển hóa, tuy nhiên hút thuốc có thể làm tăng đáng kể khả năng mắc bệnh mạch máu và bệnh tim.
- Kiểm soát sự căng thẳng: bạn cũng nên thực hiện các bài tập thể chất, thiền định, hoặc yoga để kiểm soát sự căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Trong trường hợp các phương pháp thay đổi lối sống không đạt được hiệu quả cao, bạn có thể phải cần đến thuốc để điều trị rối loạn chuyển hóa. Một số loại thuốc bạn có thể sử dụng, bao gồm:
- Thuốc huyết áp cao: gồm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (Cozaar và Diovan), thuốc ức chế men chuyển (Capoten và Vasotec), thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu.
- Thuốc cholesterol: gồm niacin (như Niaspan, Niacor và Nicolar), statin (như Lescol, Crestor, Lipitor, Pravachol, Mevacor và Zocor), nhựa axit mật (như Questran và Colestid).
- Thuốc trị tiểu đường: sử dụng trong trường hợp cơ thể không dung nạp glucose. Những loại thuốc này bao gồm: pioglitazone (Actos), metformin (Glucophage) và rosiglitazone (Avandia).
- Aspirin liều thấp: giúp giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nó đặc biệt quan trọng đối với những người có tình trạng “prothrombotic” hoặc dễ xuất hiện cục máu đông.
Để lại bình luận
5