Tuy nhiên chắc hẳn ai cũng từng có thắc mắc thứ gì mà tiền không mua được, Tiền Không Mua Được Gì chính là cuốn sách sẽ giải đáp cho bạn vấn đề này. Dựa trên những lý luận khoa học, có những thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng vẫn không thể dùng tiền bạc để quy đổi được.

1. Review Sách Tiền Không Mua Được Gì?

1.1 Thông tin của sách Tiền Không Mua Được Gì?

  • Tên sách: Cánh Cửa Mở Rộng – Tiền Không Mua Được Gì
  • Công ty phát hành: Nhà Xuất Bản Trẻ
  • Tác giả: Michael Sandel
  • Ngày xuất bản: 4-2014
  • Nhà Xuất Bản: NXB Trẻ

1.2 Nội dung của sách cuốn sách tiền không mua được gì

Trong xuyên suốt cả cuốn sách, tác giả đã sử dụng các cơ sở triết học, những lập luận đúng đắn để chỉ ra cho chúng ta thấy được có những thứ chúng ta coi là một hàng hóa mua đi bán lại, tuy nhiên điều đó sẽ làm hỏng đi bản chất của nó. Dù rằng chúng ta đều biết tiền có thể chi phối mọi thứ, nhưng có những thứ căn bản nhất dù dùng bao nhiêu tiền vẫn không bao giờ đánh đổi được như sự sống và cái chết. Ngoài ra, trong cuốn sách tác giả còn chỉ ra rất nhiều điều khác mà chúng ta không ngờ tới.

Theo tác giả, trong những thập niên gần đây, các giá trị thị trường ngày càng lấn át các chuẩn mực phi thị trường trong hầu hết các mặt của đời sống. Ngày nay, hầu như cái gì cũng có thể mua bán được.

Ví dụ:

  • Nâng cấp phòng giam: 82 USD/đêm. Ở Santa Ana, bang California và một vài thành phố khác, tội phạm không liên quan đến bạo lực được phép trả tiền để có phòng giam sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa phòng của những tội phạm không trả tiền.
  • Quyền đi vào làn đường giành cho xe nhiều người khi xe chỉ có một người tại: 8 USD (Minneapolis và một số thành phố khác ở Mỹ).
  • Quyền được bắn một con tê giác đen - loài vật đang bị đe doạ tuyệt chủng: 150.000 USD (Nam Phi).
  • Quyền được phát thải một tấn carbon vào bầu khí quyển: 18 USD (Liên minh Châu Âu).
  • Cho con nhập học vào một đại học danh tiếng: Ban lãnh đạo một số trường hàng đầu thế giới cho biết họ chấp nhận một số sinh viên không xuất sắc lắm nếu cha mẹ sinh viên này sẵn lòng đóng góp một khoản tiền đáng kể cho trường.

Qua cuốn sách Tiền không mua được gì?, tác giả Micheal Sandel một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận mà kỷ nguyên do thị trường định hướng của chúng ta chưa nghĩ tới. Đó là vai trò đích thực của thị trường trong một xã hội dân chủ là gì và chúng ta phải làm gì để bảo vệ các giá trị đạo đức mà thị trường không coi trọng và tiền không thể mua được?

Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị
Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị

2. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp của giáo sư Michael Sandel

2.1 Tiểu sử Michael Sandel

Michael Sandel sinh ra trong một gia đình Do Thái, ông chuyển đến Los Angeles năm 13 tuổi và bắt đầu sự nghiệp học hành vinh hiển của mình ở đây.

  • Ngày sinh và nơi sinh: 5 tháng 3, 1953, tại Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ
  • Vợ: Kiku Adatto
  • Học vấn: Tốt nghiệp Đại học Brandeis University, lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Oxford, thầy của Sandel là Charles Margrave Taylor – một triết gia người Canada có những đóng góp vĩ đại cho triết học chính trị, triết học xã hội, lịch sử triết học và lịch sử trí tuệ.
  • Chịu ảnh hưởng của: John Rawls, Immanuel Kant, Aristoteles, John Stuart Mill, Michael Walzer, John Locke, Charles Taylor

2.2 Sự nghiệp và hệ tư tưởng của Sandel

Michael Sandel là một nhà triết học, giáo sư môn triết học chính trị tại Đại học Harvard, bộ môn Công lý của ông nổi tiếng đến mức thu hút hơn 10.000 học viên trong hai thập kỷ. Ông thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để nói về những vấn đề liên quan đến đạo đức, ông là thành viên của ủy ban đạo đức sinh học dưới thời Tổng thống Bush.

Năm 2002, Michael Sandel được bầu làm Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Ông cũng là thành viên trong ban giám khảo Khoa học xã hội cho Giải thưởng Infosys 2011.

Quan điểm trung tâm trong hệ tư tưởng của GS Sandel là unencumbered self, Michael Sandel cho rằng tất cả trách nhiệm của cá nhân không phải do cá nhân đó đặt ra mà do cộng đồng và quần thể xã hội quy định, bởi vì chúng ta đều sinh ra và sống trong quần thể, từ nhỏ nhất là gia đình cho đến cộng đồng xung quanh rồi đến quốc gia.

Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị
Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị

2.3 Giải thưởng của tác giả

  • Năm 2012: Giải thưởng giảng dạy Harvard-Radcliffe Phi Beta Kappa
  • Cuốn sách What Money Can’t Buy? Đạt giải thưởng của Thời báo tài chính 2012 và giải thưởng sách kinh doanh của năm 2012 của Goldman Sachs.
  • Năm 2012: Được chọn là nhà tư tưởng toàn cầu bởi Tạp chí Foreign Policy
  • Năm 2014: Tiến sĩ danh dự của Đại học Utrecht

Sách hay của tác giả

  • Liberalism and the Limits of Justice (1982) – Chủ nghĩa Tự do và Giới hạn của Công lý
  • Justice: What the Right Thing to Do? (2008) – Phải Trái Đúng Sai
  • What Money Can’t Buy? (2012) – Cánh Cửa Mở Rộng – Tiền Không Mua Được Gì

Các bạn hãy đọc thử sách nhé!

Những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là thời kỳ niềm tin vào thị trường và quan điểm nới lỏng quản lý lên đến đỉnh cao nhất. Một kỷ nguyên tôn vinh thị trường, khởi đầu vào đầu thập niên 1980, khi Ronald Reagan và Margaret Thatcher tuyên bố rằng thị trường – chứ không phải chính phủ – chính là chìa khóa dẫn đến thịnh vượng và tự do. Kỷ nguyên này kéo dài đến những năm 1990, thời kỳ của những người ủng hộ tư tưởng tự do và thị trường như Bill Clinton và Tony Blair. Hai ông có quan điểm ôn hòa, nhưng có niềm tin vững chắc rằng thị trường là giải pháp cơ bản để mang lại lợi ích cho cả xã hội.

Giờ đây, niềm tin đó đang bị lung lay. Kỷ nguyên tôn vinh thị trường đang bước vào giai đoạn cuối. Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ khiến người ta nghi ngờ khả năng chia đều rủi ro của thị trường, mà còn khiến nhiều người có cảm giác rằng thị trường ngày càng xa rời các giá trị đạo đức, và chúng ta cần mang chúng lại gần nhau. Nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ về tiến trình này, và vẫn chưa biết phải giải quyết ra làm sao.

Một vài người cho rằng bản thân lòng tham đã là biểu hiện của suy đồi đạo đức ở cốt lõi của tư tưởng tôn vinh thị trường, và lòng tham là thứ khiến con người ta nhắm mắt làm liều. Vì vậy, theo họ, giải pháp là kiềm chế lòng tham, đòi hỏi giới chủ ngân hàng và các giám đốc ở Wall Street phải tự trọng hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Đồng thời, cần áp dụng các quy định phù hợp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự diễn ra lần nữa.

Giỏi lắm thì luận điểm trên cũng chỉ đúng phần nào đó thôi. Tất nhiên, lòng tham đóng vai trò đáng kể trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng còn có nguyên nhân lớn hơn nhiều. Thay đổi lớn nhất trong suốt ba thập niên qua không phải là con người tham lam hơn, mà là sự mở rộng của thị trường, của các giá trị thị trường. Chúng đã thâm nhập cả vào những lĩnh vực trong đời sống vốn không phải nơi của chúng.

Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị
Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị

Để chống lại tình trạng này, chúng ta không thể chỉ công kích lòng tham. Chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong xã hội; cần tranh luận công khai về ý nghĩa của việc giữ thị trường ở đúng vị trí của nó. Để làm được vậy, chúng ta cần phải xem xét các giới hạn đạo đức của thị trường. Chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu có cái gì mà có tiền cũng chẳng mua được hay không?

Ảnh hưởng của thị trường và tư duy thị trường lên những khía cạnh của đời sống vốn không bị các chuẩn mực thị trường chi phối là một trong những thay đổi đáng kể nhất của thời đại chúng ta.

Hãy xem sự xuất hiện như nấm của các trường học, bệnh viện, nhà tù hoạt động vì lợi nhuận và hiện tượng thuê các nhà thầu quân sự tư nhân trong chiến tranh. (Thực tế là ở Iraq và Afghanistan, lính đánh thuê thuộc các nhà thầu tư nhân đông hơn quân nhân chính quy thuộc quân đội Mỹ).

Hãy xem sự lu mờ của lực lượng cảnh sát trước các công ty an ninh tư nhân – nhất là tại Mỹ và Anh, nơi cảnh sát tư nhân đông gấp đôi cảnh sát nhà nước.

Hãy xem chiến dịch marketing thuốc hùng hổ của các công ty dược phẩm hướng vào người dân các nước giàu. (Nếu bạn đã từng xem chương trình quảng cáo trong các bản tin buổi tối của truyền hình Mỹ thì hoàn toàn có thể hiểu được chuyện bạn nghĩ rằng vấn đề y tế nghiêm trọng nhất thế giới không phải bệnh sốt rét, bệnh mù sông hay bệnh ngủ, mà là dịch bệnh khủng khiếp có tên là rối loạn cương dương).

Và hãy xem xét hiện tượng quảng cáo xuất hiện trong trường học; mua bán “quyền đặt tên” công viên và không gian công cộng; quảng cáo “thiết kế” trứng và tinh trùng cho những người cần hỗ trợ trong sinh sản; thuê phụ nữ ở các nước đang phát triển mang thai hộ; các công ty và các quốc gia mua bán quyền phát thải; hay một hệ thống tài chính trong bầu cử gần như cho phép mua bán phiếu bầu.

Ba mươi năm trước, việc sử dụng thị trường để phân bổ các dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, công lý, bảo vệ môi trường, giải trí, sinh con và các hàng hóa xã hội khác là điều chưa ai nghe đến. Giờ đây, chúng ta cho rằng hầu hết những hiện tượng này là hiển nhiên.

Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?

Vì hai lý do. Thứ nhất là bất công, và thứ hai là tham nhũng. Hãy nói về bất công trước. Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người có càng ít của cải thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự giàu có (hoặc nghèo đói) càng đáng quan tâm.

Nếu lợi thế duy nhất mà người giàu có được là họ có thể mua du thuyền, mua ô tô thể thao, hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời thì bất công bằng về thu nhập và tài sản không phải vấn đề quá lớn. Nhưng nếu tiền mua được ngày càng nhiều thứ – ảnh hưởng chính trị, y tế chất lượng tốt, nhà ở nơi an toàn chứ không phải nơi có nhiều tội phạm, trường học nổi tiếng – thì việc phân chia thu nhập và của cải càng quan trọng hơn. Nếu mọi điều tốt đẹp đều có thể mua bán được thì tiền sẽ tạo ra mọi sự khác biệt trên đời này.

Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị
Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị

Vì lý do đó mà vài thập kỷ vừa qua là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các gia đình nghèo và trung lưu. Cách biệt giữa người giàu và người nghèo tăng lên, hơn nữa, việc mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa đã làm hậu quả của bất công bằng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, và việc kiếm được tiền càng trở nên cần thiết.

Khó mà nói tường tận ngọn ngành lý do thứ hai. Đây không phải vấn đề bất công/công bằng, mà là chuyện thị trường có xu hướng làm xói mòn cuộc sống. Khi những điều tốt đẹp trên đời bị định giá, chúng sẽ không còn tốt đẹp nữa. Vì thị trường không chỉ phân bổ hàng hóa mà còn bộc lộ, khuyến khích con người có những thái độ nhất định với các loại hàng hóa. Trả tiền cho trẻ có thể làm các em đọc sách nhiều hơn, nhưng đồng thời các em cũng sẽ coi đọc sách như làm việc vặt chứ không phải là một cách để thỏa mãn nhu cầu tự thân. Trao một ghế sinh viên năm thứ nhất đại học cho người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ tạo thu nhập cho trường đại học, nhưng cũng làm xói mòn uy tín của trường, suy giảm giá trị tấm bằng mà trường cấp. Sử dụng lính đánh thuê người nước ngoài cho cuộc chiến nước mình tham gia sẽ hạn chế tổn thất tính mạng người dân trong nước, nhưng cũng làm mất đi ý nghĩa về bổn phận công dân.

Các nhà kinh tế học thường giả định rằng thị trường có tính “trơ”, không tác động gì đến các loại hàng hóa trong đó. Nhưng không phải vậy. Thị trường có tạo ra ảnh hưởng. Đôi khi, giá trị thị trường lấn át những giá trị phi thị trường đáng quan tâm.

Dĩ nhiên, không ai nhất trí được với nhau giá trị nào đáng quan tâm, giá trị nào không và tại sao. Vì vậy, để xác định xem cái gì nên và không nên mua được bằng tiền, chúng ta phải xác định được những giá trị nào chi phối các lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân và xã hội. Cách suy nghĩ về vấn đề này chính là nội dung chủ đạo của cuốn sách.

Tôi xin trình bày tóm tắt câu trả lời mà tôi nghĩ là phù hợp: khi quyết định những hành vi, sự vật nào được phép mua bán, chúng ta đang ngầm cho rằng chúng phù hợp với vai trò hàng hóa – tức là công cụ sinh lợi và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng không phải hàng hóa nào cũng phù hợp với cách đánh giá này.

Ví dụ rõ ràng nhất là con người. Chế độ nô lệ thật kinh khủng bởi nó coi con người là hàng hóa, có thể mua bán ở phiên chợ đấu giá. Đối xử với con người theo cách ấy là sai trái, vì mỗi người đều có phẩm giá và đáng được tôn trọng chứ không thể bị coi là một vật để sở hữu hay một công cụ để sử dụng.

Có thể đánh giá tương tự về nhiều sự vật hoặc hành vi tốt đẹp khác. Chúng ta không cho phép mua bán trẻ em trên thị trường. Ngay cả khi người mua đối xử tốt với những em bé họ mua được thì việc cho phép hình thành thị trường trẻ em đã khuyến khích xã hội đánh giá sai về giá trị của các em nhỏ. Trẻ em không thể là hàng hóa tiêu dùng, mà phải là đối tượng của tình yêu, sự quan tâm. Hoặc vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân. Nếu bạn được yêu cầu thực hiện một nghĩa vụ pháp lý thì bạn không thể thuê người khác làm hộ bạn. Chúng ta cũng không cho phép người dân được bán lá phiếu của mình cho dù có nhiều người sẵn lòng mua chúng. Tại sao? Vì chúng ta tin rằng không thể coi nghĩa vụ công dân là tài sản của cá nhân mỗi người mà phải coi đó là trách nhiệm đối với xã hội. Thuê người khác thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chính là hạ thấp và đánh giá sai nghĩa vụ đó.

Những ví dụ nói trên minh họa cho một điều có ý nghĩa lớn hơn: Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hóa. Vì vậy, để xác định xem thị trường có thể tồn tại ở đâu, cái gì nên tránh xa thị trường thì chúng ta phải tìm ra cách thức đánh giá giá trị một số thứ như sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân, v.v… Chúng đều là những vấn đề mang tính đạo đức và chính trị chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Muốn trả lời câu hỏi nói trên, chúng ta phải tranh luận từng vấn đề một về ý nghĩa đạo đức của chúng và cách đánh giá chúng sao cho hợp lý.

Cuộc tranh luận này không hề tồn tại trong kỷ nguyên tôn vinh thị trường. Hậu quả là khi không nhận biết được vấn đề, không bao giờ nghĩ đến chuyện tranh luận về chúng, từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một xã hội thị trường.

Sự khác biệt là ở chỗ: Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Trong xã hội thị trường, các mối quan hệ xã hội đều thay đổi cho phù hợp với hình ảnh thị trường.

Thiếu sót lớn của nền chính trị đương đại là chúng ta chưa từng tranh luận về vai trò, phạm vi của thị trường. Chúng ta muốn một nền kinh tế thị trường hay một xã hội thị trường? Vai trò của thị trường trong đời sống xã hội và các mối quan hệ cá nhân là gì? Làm sao chúng ta xác định được hàng hóa nào được phép mua bán, còn hàng hóa nào phải chịu sự chi phối của các giá trị phi thị trường? Chỗ nào không nên có vai trò của đồng tiền?

Cuốn sách này sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi trên. Vì chúng liên quan đến những quan điểm còn đang gây tranh cãi về một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống tốt đẹp nên tôi không dám hứa mình có câu trả lời dứt khoát. Nhưng tôi hy vọng ít nhất mình cũng khởi xướng được cuộc tranh luận công khai về chúng, đồng thời đưa ra được cơ sở triết học cho các lập luận.

Ngay cả nếu bạn đồng ý rằng chúng ta cần tranh luận về những vấn đề lớn liên quan đến đạo đức của thị trường thì hẳn bạn cũng không tin là cuộc tranh luận sẽ đi đến hồi kết. Lo ngại này là chính đáng. Nếu muốn tư duy lại về vai trò và phạm vi của thị trường, trước hết chúng ta cần biết rằng sẽ gặp phải hai trở ngại lớn, dễ gây nản chí.

Thứ nhất là tư duy thị trường đã có uy tín và quyền lực từ lâu, ngay cả sau khi thị trường vừa gặp phải thất bại lớn nhất trong 80 năm qua. Thứ hai là các cuộc tranh luận công khai xưa nay thường vô nghĩa và chứa đầy ác ý. Hai trở ngại này không phải hoàn toàn độc lập với nhau.

Trở ngại đầu tiên khá khó hiểu. Giờ đây, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được đa phần mọi người coi là hậu quả đạo đức của việc o bế thị trường một cách mù quáng trong ba thập kỷ, trải qua nhiều thay đổi về chính trị. Nhưng khi các công ty tài chính một thời lừng danh của Wall Street gần như sụp đổ, đòi hỏi ngân sách nhà nước – vốn là thuế người dân đóng vào – phải chi một số tiền cứu trợ khổng lồ thì có vẻ cần xem xét lại vai trò của thị trường. Ngay cả Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ…

Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị
Review sách Tiền Không Mua Được Gì? Cuốn sách mang lại nhiều điều thú vị

Những nhận xét về cuốn sách Tiền Không Mua Được Gì?

Timothy Besley, Journal of Economic Literature

Tiền Không Mua Được Gì? của Michael Sandel là một cuốn sách tuyệt vời và tôi khuyên tất cả các nhà kinh tế học nên đọc… Cuốn sách đầy những ví dụ thú vị buộc bạn phải tư duy… Tôi đã đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này trong chưa đầy hai ngày. Và tôi đã ghi chú vào sách nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc trong nhiều năm qua”. 

David Aaronovitch, The Times (London)

“Tuyệt vời, dễ đọc, được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyến, xen lẫn dí dỏm… một cuốn sách không thể không đọc về quan hệ giữa đạo đức và kinh tế”. 

Michael Tomasky, The Daily Beast

“Michael Sandel là một trong những nhà tư tưởng chính trị hàng đầu của thời đại chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người đọc cuốn sách mới của Sandel, Tiền Không Mua Được Gì?  Đó là bản cáo trạng hùng hồn dành cho cái xã hội mà chúng ta đang trở thành, ở đó cái gì cũng có giá của nó”. 

Kirkus Reviews

“Một khảo luận sắc bén, được trình bày một cách khéo léo về những vấn đề lớn của đời sống”.

Kết luận về sách Tiền Không Mua Được Gì?

Dù chúng ta chưa thể có câu trả lời trọn vẹn cho những câu hỏi này, nhưng nếu chúng ta không nêu ra, không tranh cãi để đi đến một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng, xã hội chấp nhận thì rất có thể, thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta. Chúc các bạn có thêm kiến thức 

7, Theo Reviview 365 tổng hợp