- Bạn Có Biết Cơ Thể Có "3 Nơi" Càng Sạch Càng Sống Khỏe
- 7 bước đơn giản giúp bạn khỏi động lối sống lành mạnh
- Câu chuyện cuộc sống cho thấy có bệnh mới chữa thì đã quá muộn màng
Stress là gì?
Stress là một trạng thái thần kinh căng thẳng, bao gồm nhiều yếu tố như vật lý, hóa học và phản ứng của một cá thể đang cố gắng thích nghi với một sự thay đổi hay áp lực từ bên ngoài hoặc bên trong. Khi gặp tác nhân gây stress sẽ làm cho cơ thể tiết ra hormone giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho các cơ, nhịp thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên.
Stress có thể đem lại những hoạt động tích cực, kích thích sự tập trung trong học tập và công việc. Tuy nhiên, nếu stress quá độ, diễn ra liên tục sẽ dẫn tới sức khỏe tinh thần, tâm lý và thể chất chán nản, mệt mỏi, tiêu hóa kém, suy giảm miễn dịch và thậm chí có thể gây ra bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ xung quanh.
Triệu chứng của stress
Những triệu chứng của stress rất đa dạng với mỗi cá nhân riêng biệt. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:
Những biểu hiện về cảm xúc
- Cảm thấy khó chịu
- Cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng
- Cảm thấy buồn bã
- Cảm thấy chán nản, thờ ơ
- Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân
Những biểu hiện về hành vi
- Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính
- Sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc thuốc lá
- Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ của bạn
- Bỏ qua những hành vi thông thường, mất tập trung
- Trở nên vô lý trong những quyết định của mình
- Hay quên hoặc trở nên vụng về
- Luôn vội vàng và hấp tấp
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít
Những triệu chứng về thể chất
- Đau đầu
- Căng hoặc đau cơ bắp
- Đau bụng
- Đồ mồ hôi
- Cảm thấy chóng mặt
- Rối loạn tiêu hóa
- Khó thở hoặc đau ngực
- Khô miệng
- Ngứa trên cơ thể
- Có vấn đề về tình dục.
Nếu bạn có một số những biệu hiện trên đây, có thể bạn đang trải qua stress cấp tính. Trường hợp stress kéo dài, bạn có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe như: đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, bị sốc, bị đau nửa đầu, lo âu, bị hen, suy giảm hệ miễn dịch, đau dạ dày và rối loạn giấc ngủ.
Nguyên nhân thông thường gây stress
- Môi trường bên ngoài: Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm.
- Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc, các bài trình bày, mâu thuẫu, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè…
- Các vấn đề về thể chất: Thay đổi cơ thể, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…
- Suy nghĩ của các bạn: Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ: nếu trượt đại học, tương lai của tôi thật mù mịt; Nếu tôi không làm được thì mọi người sẽ cười chê tôi,…
Căng thẳng ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân có thể đến từ yếu tố tâm lý và các áp lực về tinh thần. Vì vậy, để loại bỏ stress ra khỏi cuộc sống, cần biết cân bằng và vượt qua sợ hãi để bình tĩnh và khỏe mạnh hơn. Chuyên gia gợi ý cho bạn những cách giảm stress hiệu quả và đơn giản sau đây.
Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc stress như:
- Người cơ thể yếu: Suy dinh dưỡng, thường xuyên ốm đau,..
- Môi trường sống không lành mạnh
- Công việc quá sức
- Người thiếu tự tin, ít mối quan hệ xã hội
- Ảnh hưởng stress từ những người xung quanh
12 cách giảm stress hiệu quả giúp bạn sống lạc quan
1. Dũng cảm từ chối khi có thể
Hãy học cách nói "Không". Nhận biết những giới hạn của bản thân và tôn trọng những giới hạn đó. Cho dù là trong cuộc sống cá nhân hay công việc, đừng cố gắng ôm đồm quá nhiều thứ, hơn khả năng có thể chấp nhận và thực hiện của bạn vì đó chính là những nguyên nhân gây ra stress. Xác định đâu là những việc "nên" làm và đâu là những việc "phải làm" và dũng cảm từ chối khi có thể.
2. Hạn chế những mối quan hệ không tích cực
Hãy hạn chế tiếp xúc tối đa những người khiến bạn cảm thấy bị stress. Ví dụ việc nói chuyện với những người luôn bi quan, tiêu cực, than phiền chê trách về mọi thứ trên đời khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy dành ít thời gian có thể cho họ hoặc chấm dứt mối quan hệ không tích cực đó.
3. Kiểm soát môi trường sống
Nếu bạn cảm thấy căng thẳng ở những nơi đông đúc, ồn ào, đừng đến những nơi như vậy. Nếu giao thông đông đúc, hỗn loạn khiến bạn stress, hãy lựa chọn cung đường dài hơn, vắng vẻ hơn hoặc đi sớm, về muộn để làm giảm bớt những áp lực không cần thiết.
4. Quản lý thời gian
Lập danh sách công việc cần làm trong ngày cũng là một cách giảm stress hiệu quả. Thoạt nghe có vẻ hai điều này không liên quan gì đến nhau. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ càng thì làm việc một cách khoa học sẽ giúp bạn tránh được cảm giác căng thẳng khi có quá nhiều việc phải làm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.
Bạn có thể áp dụng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc và quản lý thời gian hiệu quả (theo mô hình Eisenhower chẳng hạn) và thực hiện một cách nghiêm túc để có thời gian giải quyết những việc thực sự quan trọng và cần kíp với bạn. Ngoài ra, bạn có thể loại bỏ hoặc giao cho người khác làm những việc không quan trọng, không khẩn cấp để không cảm thấy luôn luôn bị “ngập đầu” trong công việc. Việc này giúp bạn “đánh bay" cảm giác lo lắng, mệt mỏi và chán nản khi đi làm.
5. Luôn nhìn nhận mọi việc một cách tích cực
Nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực và cố gắng nhìn thấy mặt tốt của chúng. Ví dụ khi bị sếp la, điều đó không có nghĩa là sếp ghét hay trù úm bạn, mà sếp đang quan tâm và muốn bạn làm tốt hơn nữa. Hãy cảm ơn phản hồi của sếp, học từ đó và thay đổi cách làm với thái độ cầu thị, vui vẻ. Chắc chắn sếp bạn sẽ ấn tượng với cách suy nghĩ tích cực của bạn và muốn giúp bạn phát triển hơn nữa.
6. Đừng quá cầu toàn
Thay đổi tiêu chuẩn của mình khi có thể. Những người cầu toàn thì luôn tự gây áp lực cho bản thân mình và cho người khác. Hãy đặt ra những tiêu chuẩn, kỳ vọng hợp lý cho mình và người khác và điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều.
Một văn bản với một vài sai sót nhỏ như thừa dấu cách hoặc thiếu dấu chấm cuối câu cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Vì đơn giản là bạn có thể nhanh chóng chỉnh sửa để hoàn thiện chúng thay vì “ôm" sự bực bội và trách móc người khác. Chỉ một “giải pháp" đơn giản như thế thôi là bạn đã bớt đi nhiều suy nghĩ tiêu cực để sống vui vẻ rồi đấy!
7. Thực hành thái độ biết ơn
Hãy luôn thực hành thái độ và lòng biết ơn mỗi khi bạn cảm thấy những dấu hiệu stress. Hãy nhớ lại những điều tốt đẹp bạn đang có trong cuộc sống của mình, những người tuyệt vời đang ở bên cạnh bạn, những món quà cuộc sống đã mang đến cho bạn và bạn sẽ thấy những điều lo lắng, căng thẳng trở nên bé nhỏ, có thể bỏ qua được.
8. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Cố gắng duy trì một thời gian biểu cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Công việc rất quan trọng vì nó mang đến cho bạn nhiều điều như sự khẳng định cái tôi, tài chính, vị thế, những mối quan hệ vv nhưng điều làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa là sự yêu thương, gắn kết của người thân, niềm vui và thời gian dành cho bản thân thế nên đừng coi nhẹ cuộc sống cá nhân.
9. Chơi thể thao thường xuyên giúp giảm căng thẳng tinh thần
Duy trì tập luyện một bộ môn thể thao hàng ngày hoặc tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào bạn thích vì khoa học đã chứng minh rằng luyện tập thể dục sẽ tạo ra chất endorphin làm bạn thấy phấn chấn, vui vẻ hơn và giúp bạn thoát ra khỏi những lo lắng, căng thẳng thường trực. Có thể bạn quá bận rộn để đến phòng gym hoặc tập thể thao nhưng ít nhất bạn cũng có thể dành khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày để thực hiện những bài tập thể dục buổi sáng, dùng thang bộ để lên văn phòng thay vì đi thang máy, dắt chó đi dạo hoặc đi bộ đến chỗ ăn trưa thay vì đi xe máy/ô tô.
10. Chia sẻ lo lắng
Bộc lộ được cảm xúc hoặc nói ra những điều khiến mình lo lắng căng thẳng với một người bạn thân, chuyên gia trị liệu hoặc chuyên gia khai vấn cũng là một cách để bạn có thể giải tỏa cảm giác lo lắng và tìm ra phương pháp cho vấn đề của mình. Việc tích tụ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ như một chiếc nồi áp suất đầy hơi. Nếu không được xả ra có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt tinh thần và thể chất.
11. Học cách tha thứ
Học cách tha thứ và chấp nhận. Chấp nhận rằng chúng ta sống trong một thế giới không hoàn hảo, ai cũng có thể mắc lỗi và có khiếm khuyết. Học cách tha thứ và bỏ qua, không oán trách hay hờn giận ai cả vì tha thứ cho người khác chính là để giúp bạn có thể sống vui vẻ hơn và tốt hơn mỗi ngày.
12. Dành thời gian để giải trí
Dành thời gian cho thú vui của bản thân hoặc những hoạt động giải trí như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, nấu ăn hoặc gặp gỡ bạn bè. Việc chăm sóc bản thân về cả tinh thần và thể chất là cách để bạn nạp năng lượng tích cực cho mình. Và khi bạn tràn đầy năng lượng tích cực, niềm vui, bạn sẽ thấy những khó khăn chỉ là chuyện nhỏ.
Căng thẳng không tự nhiên rời bỏ bạn cho đến khi bạn quyết tâm kiên trì áp dụng những cách giảm stress hiệu quả. Đừng chần chừ mà bắt đầu loại bỏ stress ngay bây giờ để an yên tận hưởng cuộc Sống Như Ý!
Để lại bình luận
5