- 7 thứ đang âm thầm làm giảm chất lượng giấc ngủ khiến bạn tăng cân
- Top 5 cách tăng cân bằng trứng gà cho người gầy
- Ăn gì vào bữa tối để tốt cho sức khỏe, không lo tăng cân
- 4 lý do không nên để bụng đói đi ngủ, trong đó có tăng cân
Nhiều lúc bạn vẫn lên cân dù vẫn chăm chỉ luyện tập và ăn uống vừa phải. Vậy đâu là lý do tăng cân? Chế độ dinh dưỡng và tập luyện có ảnh hưởng đến cân nặng của chúng ta nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Còn những yếu tố khác là gì?
Vì sao chúng ta tăng cân?
Hầu như ai cũng biết một sự thật hiển nhiên là chúng ta sẽ tăng cân khi lượng calo nạp vào cơ thể cao hơn năng lượng mà chúng ta đốt được bằng việc tập thể dục hay các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân tăng cân này đúng nhưng chưa đủ!
Cơ thể chúng là là một “cỗ máy" vô cùng phức tạp nên việc so sánh lượng calo nạp vào đốt cháy không giải thích đủ cơ chế tăng cân của cơ thể. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy rất hoang mang vì bản thân kiêng khem rất nghiêm ngặt và chăm chỉ tập thể dục nhưng vẫn lên cân. Hay có người dù ăn rất nhiều nhưng vẫn không thể tăng nổi vài ký.
Trong giới hạn của bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngoài việc ăn uống và tập luyện thì đâu là lý do khiến bạn lên ký nhé!
Những nguyên nhân tăng cân khiến bạn ngạc nhiên
Có rất nhiều lý do khiến bạn tăng cân có căn nguyên từ cách sinh hoạt hay tình trạng sức khỏe. Dưới đây là một vài nguyên nhân tăng cân mà bạn không ngờ tới.
Thiếu ngủ
Hiện nay, thiếu ngủ là một điều trở nên khá bình thường với phần đông chúng ta. Tuy nhiên, bạn có biết rằng thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây tăng cân phổ biến mà không phải ai cũng nhận ra. Khi thức khuya, bạn sẽ cảm thấy đói và có xu hướng ăn đêm. Và hệ quả là bạn đã nạp vào cơ thể một lượng calo nhiều hơn cần thiết và không thể đốt được chúng ngay sau đó.
Một lý do khác là những sự thay đổi trong cơ thể khi bạn thiếu ngủ. Chính sự biến đổi mức độ hormone làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, tạo cảm giác bạn vẫn chưa no bụng dù đã ăn đủ bữa.
Căng thẳng tinh thần là một trong những lý do tăng cân được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, không mấy ai hiểu được mối tương quan giữa hai vấn đề này.
Lý do cũng khá đơn giản: Khi cuộc sống có quá nhiều áp lực, khó khăn thì cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra hormone Cortisol, một loại nội tiết tố làm tăng cảm giác thèm ăn. Và trong những lúc đầu óc căng thẳng, chúng ta cũng thường tìm đến những món ăn, thức uống nhiều calo để “xoa dịu” nỗi đau tinh thần. Sự kết hợp của hai yếu tố trên là điều kiện lý tưởng cho việc tăng cân.
Cai thuốc lá
Cai hút thuốc lá mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn nhưng cũng có một số “phản ứng phụ". Một trong những tình trạng dễ thấy nhất là nó có thể khiến bạn thèm ăn và tăng cân, tuy số cân này không quá nhiều.
Trung bình, bạn sẽ tăng khoảng 4,5kg sau khi ngừng hút thuốc. Thế nhưng chỉ sau vài tuần thì cảm giác thèm ăn sẽ dần mất đi và bạn có thể bắt đầu giảm cân trở lại.
Thuốc điều trị bệnh
Bạn có biết rằng nhiều loại thuốc kê đơn đặc trị bệnh cũng có thể gây tăng cân? Những loại này bao gồm các loại thuốc chống loạn thần (như thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực), thuốc điều trị chứng đau nửa đầu, thuốc điều trị co giật, thuốc điều trị huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
Steroid
Một số loại thuốc chống viêm chứa steroid như Prednisone, có thể gây tăng cân. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tác dụng giữ nước trong cơ thể và tăng cảm giác thèm ăn. Một số người dùng thuốc chứa steroid có thể nhận thấy sự thay đổi rõ ràng vì cơ thể bắt đầu tích mỡ ở một số vùng như lưng, mặt và bụng.
Suy giáp
Khi tuyến giáp không tạo đủ hormone, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu, lạnh và tăng cân. Lượng hormone từ tuyến giáp không đủ sẽ khiến cho quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại và hậu quả là cân nặng sẽ tăng lên.
Ngay cả khi tuyến giáp của bạn hoạt động yếu hơn so với thông thường cũng có thể gây ra tình trạng tăng cân. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm và đúng thì cân nặng của bạn sẽ giảm dần đi.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là một vấn đề nội tiết tố phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đa số phụ nữ mắc hội chứng này sẽ phát triển nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng mất cân bằng nội tiết tố gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và có thể khiến lông phát triển quá mức trên cơ thể, cũng như mụn trứng cá.
Người mắc PCOS gặp tình trạng kháng insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu) nên có thể gây tăng cân. Cân nặng có xu hướng tăng ở vùng bụng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Mãn kinh
Hầu hết phụ nữ đều tăng cân khi đến thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. Sự lão hoá của cơ thể làm chậm quá trình trao đổi chất, cũng là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày (ví dụ như bạn tập thể dục ít hơn) cũng góp phần làm cân nặng tăng thêm.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể xác định liệu việc tăng cân có liên quan đến tình trạng mãn kinh hay không bằng cách nhìn vào những vị trí mỡ tích tụ trên cơ thể của mình. Thông thường, tình trạng tăng cân do mãn kinh sẽ có biểu hiện chất béo tích tụ quanh eo nhiều hơn ở vùng hông và đùi.
Trên đây chỉ là một vài nguyên nhân tăng cân không liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống luyện tập thường ngày của bạn. Ngoài những yếu tố trên, vẫn còn khá nhiều lý do tiềm ẩn khác.
Cần làm gì khi bạn bị tăng cân đột ngột?
Qua những nguyên nhân tăng cân được reviews365 chia sẻ ở trên, chắc bạn cũng nhận ra chúng có ít nhiều liên quan đến các bệnh lý và thuốc điều trị. Nếu nghi ngờ rằng tình trạng tăng cân đột của mình có liên quan đến các loại thuốc điều trị bệnh thì bạn cũng không được tự ý ngừng uống thuốc mà không tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị.
Trên thực tế, việc tăng vài cân chẳng là gì nếu so với rủi ro sức khoẻ mà bạn phải đối mặt nếu ngừng uống thuốc. Ngoài ra, nguyên nhân ấy có thể chỉ là sự suy đoán cá nhân của bạn chứ không thực sự do thuốc gây ra. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy chia sẻ thẳng thắn với bác sĩ về lo ngại của mình để tìm ra giải pháp nhé!
Chúng ta thường có thói quen so sánh bản thân với người khác. Thậm chí nhiều người còn so sánh ảnh hưởng từ việc dùng thuốc của họ với những bệnh nhân khác mà quên rằng cơ thể mỗi người mỗi khác. Bạn nên biết rằng không phải tất cả mọi người đều gặp cùng phản ứng phụ dù họ sử dụng thuốc giống nhau. Đó là chưa kể có những người hoàn toàn không gặp phản ứng phụ nào cả.
Nếu bạn gặp tình trạng tăng cân do cơ thể giữ nước thì cũng không nên quá lo lắng vì nó chỉ tồn tại tạm thời. Một khi bạn hoàn tất quá trình điều trị và ngừng uống thuốc thì tình trạng này sẽ dần biến mất. Tuy nhiên, một việc bạn có thể làm là giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn hàng ngày nếu gặp tình trạng này.
Khi tình trạng tăng cân do dùng thuốc kéo dài và khiến bạn lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ về việc đổi sang một loại thuốc khác. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ điều trị của bạn sẽ tư vấn cho bạn dùng những loại thuốc có thể không gây ra những tác dụng phụ tương tự.
Một việc khác bạn có thể làm là tìm hiểu xem việc tăng cân của mình có liên quan đến tình trạng giảm trao đổi chất của cơ thể do tình trạng sức khoẻ hoặc thuốc men gây ra không. Nếu đúng thì bạn có thể kiểm soát tình trạng này khá dễ dàng bằng cách tăng cường độ vận động của cơ thể lên nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Như bạn thấy đấy, nguyên nhân tăng cân của chúng ta khá đa dạng và phức tạp chứ không chỉ đến từ chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, bạn cần sáng suốt nhìn nhận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia để có hướng giải quyết triệt để và khoa học nhé!
Để lại bình luận
5