- Paraben là gì? Mỹ phẩm chứa paraben gây tác hại thế nào?
- Mụn là gì? Nguyên nhân hình thành mụn, có bao nhiêu loại mụn trứng cá
- Salicylic Acid là gì? Tác dụng của Salicylic Acid, ai nên dùng Salicylic Acid?
Mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cơ thể đã và đang là những “gương mặt quen thuộc” trong đời sống ngày nay. Nhưng có khi nào bạn tự hỏi liệu những sản phẩm này có thật sự an toàn? Liệu đằng sau những công dụng làm đẹp, các thành phần hóa học ở chúng sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe chúng ta?
Bảng thành phần mỹ phẩm bao gồm những gì?
Theo Nhóm Công tác Môi trường (Environmental Working Group) - nhóm hoạt động của Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu ở lĩnh vực công nghiệp, hóa chất độc hại,... thì một phụ nữ trung bình sử dụng 12 sản phẩm có chứa tới 168 thành phần hóa học khác nhau mỗi ngày. Trong đó có các chất ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết, thậm chí có liên kết với cả bệnh ung thư.
Các thành phần quan trọng có mặt trong hầu hết các loại mỹ phẩm bao gồm nước, chất nhũ hóa, chất bảo quản, chất làm đặc, chất giữ ẩm, chất tạo màu và mùi hương. Các thành phần có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo.
Thành phần trong mỹ phẩm là một con số khó có thể xác định, ở mỗi sản phẩm lại có danh sách thành phần khác nhau. Ví dụ như phấn nền có khoảng 13 thành phần hóa học, phấn mắt có tầm 20 thành phần, son môi là 23 còn kem dưỡng ẩm có đến hơn 40,... Trong đó, các thành phần có hại bị cấm sử dụng cũng tùy thuộc vào địa điểm khác nhau. Ví dụ như có hơn 1300 hóa chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở Liên minh châu Âu do nghi ngờ độ an toàn của chúng, trong khi ở Mỹ con số cấm chỉ có 11.
Các thành phần có hại thường xuất hiện trong mỹ phẩm
Mặc dù nhiều nhưng vẫn có những chất thuộc diện “thường trực” có hại thường xuyên xuất hiện trong các loại mỹ phẩm và sản phẩm dưỡng da. Đối với những ai có cơ địa nhạy cảm như trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai cần tránh xa.
1. Parabens
- Đây là chất bảo quản có nhiều trong nhiều sản phẩm như xà phòng, dầu gội, kem dưỡng hay sữa rửa mặt,... Paraben là một họ hóa chất bao gồm các chất methyl paraben, propyl parabens, butyl parabens và ethylparabens.
- Parabens là chất gây rối loạn nội tiết do khả năng "bắt chước" estrogen trong cơ thể. Chúng hoạt động như một chất gây rối loạn hormone, có liên quan mật thiết tới ung thư vú. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH - National Institutes of Health), đã có nghiên cứu cho thấy 99% khối u ung thư vú đều chứa paraben.
2. Phthalates
- Phthalates thuộc nhóm hóa chất dùng để làm mềm và tăng độ dẻo cho nhựa, hay còn được biết như chất làm dẻo trong mỹ phẩm. Chất này chủ yếu sử dụng trong nước hoa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác như keo xịt tóc hay sơn móng tay.
- Phthalates cực kỳ nguy hiểm với trẻ em. Tương tự với paraben, Phthalates là chất gây rối loạn nội tiết tố và có thể gây ra các vấn đề về sinh sản và cả dị tật bẩm sinh.
3. Chất tạo mùi nhân tạo
- Tên thường thấy trên các nhãn dán là Parfum. Hầu hết các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm đều chứa "hương thơm", kể cả các sản phẩm "không mùi" ít nhiều đều có chứa hương thơm nhân tạo.
- Thành phần cụ thể tạo ra Parfum được coi là bí mật thương mại, các nhà sản xuất không cần phải tiết lộ. Do đó không loại trừ thành phần thực sự có thể là những chất gây ung thư, dị ứng hoặc rối loạn nội tiết. Đó là lý do vì sao mẹ bầu thường được khuyến cáo không nên dùng nước hoa trong thai kỳ.
4. Retinyl palmitate và Retinol (hay còn gọi là Vitamin A)
- Rất nhiều người đang "phát cuồng" với công dụng của retinol nhưng bạn có biết thành phần này vẫn có những mặt tiêu cực. Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên dùng bất cứ sản phẩm vào có chứa retinol và vitamin A. Lý do retinol có thể làm hỏng DNA và tăng tốc độ phát triển của các khối u gây ung thư da.
5. Oxybenzone
- Đây chính là thành phần mỹ phẩm quen thuộc trong các loại kem chống nắng hóa học. Đây là một chất gây rối loạn nội tiết, đã được chứng minh là làm thay đổi chức năng tuyến giáp. Vào năm 2019, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã công bố nghiên cứu cho thấy bộ lọc tia UV của sản phẩm chống nắng hóa học có liên quan đến rối loạn hormone, giảm khả năng sinh sản ở nam giới và có thể gây ung thư.
- Do đó nên dùng kem chống nắng hóa học một cách vừa phải, đối với trẻ em và người mang thai thì nên tránh xa. Oxybenzone cũng có thể được tìm thấy trong kem dưỡng da SPF, son dưỡng môi và đồ trang điểm. Thay vào đó dùng kem chống nắng vật lý sẽ an toàn hơn.
6. Diethanolamine
- Thêm một thành phần có hại trong mỹ phẩm mà EU hạn chế sử dụng nhưng ở Hoa Kỳ vẫn khá thoải mái. Diethanolamine là một chất gây ung thư và ngộ độc đường hô hấp. Chất này thường được viết tắt là DEA trên nhãn dán.
7. Chì
- Chì là kim loại nặng và là một chất độc thần kinh. Nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như ảnh hưởng đến chỉ số thông minh IQ. Son chính là sản phẩm có nguy cơ chứa chì cao hàng đầu.
8. Toluene
- Đây là chất thường có trong sơn móng tay và thuốc nhuộm tóc. Toluene là một chất dung môi hóa dầu dễ bay hơi có thể gây độc cho hệ miễn dịch, gây ra dị tật bẩm sinh. Do đó nếu bạn đang mang thai thì hãy cẩn thận, tốt nhất là tránh hoàn toàn sơn móng hoặc nhuộm tóc có chứa toluen.
9. BHT
- Đây là những chất chống oxy hóa tổng hợp dùng để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Thành phần mỹ phẩm này có khả năng là chất gây ung thư và rối loạn hormone gây tổn thương tới gan.
10. Polyethylene Glycol (PEG)
- Polyethylene Glycol (PEG) là thành phần mỹ phẩm có hại, là chất làm đặc có nhiều trong kem dưỡng da, dầu gội đầu hoặc kem chống nắng. PEG có liên quan đến ethylene oxide (một chất gây ung thư được biết đến) và 1,4-Dioxane (gây ra các vấn đề về hô hấp và bị cấm ở Canada).
Một số lưu ý an toàn khi sử dụng mỹ phẩm
Mỹ phẩm mang đến nhiều lợi ích cho chúng ta, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn biết cách sử dụng chúng an toàn. Một số điều lưu ý sau sẽ giúp bạn làm đẹp đúng cách hơn:
1. Xem kỹ thành phần mỹ phẩm
- Hãy xem kỹ thành phần của mỗi sản phẩm mà bạn có ý định sử dụng, nhất là khi biết mình có kích ứng với một số chất nào đó. Đối với mẹ bầu thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tìm đến các sản phẩm làm đẹp.
2. Không dùng sản phẩm hết hạn
- Đừng bao giờ tiếc nuối cho những sản phẩm hết hạn hoặc dù chưa hết hạn nhưng có sự thay đổi về màu sắc, mùi hương. Lúc đấy chất lượng sản phẩm vừa không đảm bảo mà còn có thể gây ra những phản ứng xấu cho bạn.
3. Thay thế bằng các thành phần lành tính hơn
- Ví dụ như với các chất có khả năng trị mụn như retinol, bạn có thể thay thế bằng các tinh dầu tự nhiên như tràm trà, bạc hà cũng sẽ mang lại kết quả tương tự. Các sản phẩm có thành phần tự nhiên hiện đang là "xu hướng" làm đẹp mới vì vừa mang đến công dụng tốt vừa giúp bảo vệ môi trường hơn. Với thành phần tự nhiên, bạn sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ “nhiễm độc” với các thành phần mỹ phẩm có nguồn gốc hóa chất vừa có thể dễ dàng tự làm đẹp tại nhà.
Để không bị ảnh hưởng bởi các thành phần có hại trong mỹ phẩm, hiểu biết và cẩn thận trong lựa chọn sản phẩm chính là bí kíp bạn nên có. Hãy sử dụng những sản phẩm có thương hiệu uy tín, ít nhất là trên bảng thành phần không có các chất có hại như trên. Sau đó hãy dựa vào điều kiện sức khỏe bản thân để có lựa chọn làm đẹp phù hợp bạn nhé.
Để lại bình luận
5