- Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể bạn khi mất ngủ dài ngày?
- Nhiệt độ phòng bao nhiêu là lý tưởng cho giấc ngủ của bạn
- Những điều thú vị về 5 giai đoạn của giấc ngủ trong một đêm
Sau một ngày làm việc vất vả thì ban đêm là lúc mà cơ thể cần được nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, nhưng vì một lý do nào đó mà bạn thường ngủ rất muộn. Nếu bạn đi ngủ muộn 1 - 2 ngày thì có thể không sao, tuy nhiên, nếu thức khuya thường xuyên và tạo thành thói quen thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không hề tốt đối với sức khỏe. Để biết được thức khuya có hại gì, mấy giờ là thức khuya?các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Những tác hại của việc thức khuya bạn nên biết
Thức khuya ảnh hưởng tới hệ miễn dịch
- Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi và làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Vì vậy những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... hơn so với người ngủ đủ giấc.
Thức khuya đẩy nhanh quá trình lão hóa, da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí
-
Vào ban đêm, làn da của bạn sẽ bước vào quá trình "tu sửa" bằng cách đẩy mạnh lưu thông máu, tái tạo các tế bào da. Nếu thức quá khuya thì làn da của bạn sẽ bắt buộc phải bỏ qua bước này khiến cho bọng mắt, quầng thâm, tình trạng khô da, nứt nẻ dần dần xuất hiện làm bạn già đi trông thấy.
-
Các nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng, phụ nữ thường xuyên thiếu ngủ sẽ có làn da nhăn nheo, thiếu đàn hồi hơn những người ngủ đủ giấc. Chính vì thế, đi ngủ sớm được xem là một phương pháp dưỡng da rẻ tiền mà lại cực kỳ hiệu quả.
Tác hại của việc thức khuya tới hệ tiêu hóa
- Các tế bào niêm mạc dạ dày tự tái tạo và hồi phục vào ban đêm trong khi ngủ. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức khuya khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều, ăn mòn dạ dày dẫn đến viêm loét nếu tình trạng này kéo dài.
Thức khuya dễ làm giảm thị lực
- Tương tự như các bộ phận trên, ban đêm là thời điểm đôi mắt được nghỉ ngơi và điều tiết sau 1 ngày hoạt động liên tục. Việc thức khuya không những cắt đi thời gian nghỉ ngơi của mắt mà còn ép đôi mắt phải làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên. Thức khuya thường xuyên sẽ dễ dẫn đến các bệnh đau mắt, nhức mỏi mắt, thâm quầng mắt, cận thị, loạn thị…
Thức khuya gây tăng cân và bệnh tiểu đường
- Ngủ muộn sẽ làm rối loạn 2 hormone leptin và ghrelin. Đây là 2 loại hormone chịu trách nhiệm về sự thèm ăn của cơ thể. Leptin là hormone no, cho biết khi nào cơ thể cần đốt cháy năng lượng. Còn ghrelin là hormone đói, báo hiệu khi nào cần ngưng đốt calorie để tích trữ mỡ.
- Khi bạn thức quá khuya, lượng leptin trong cơ thể giảm và ghrelin tăng lên, báo hiệu cho não rằng bạn đang đói và kết quả là cân nặng của bạn tăng lên chóng mặt do ăn khuya mà không đốt cháy năng lượng.
Thức khuya gây suy giảm ham muốn tình dục
- Đối với nữ giới: Hormone estrogen không chỉ có chức năng sản xuất trứng mà còn giúp duy trì chức năng sinh lý ở nữ giới. Tuy nhiên, do thói quen thức khuya mà lượng hormone này bị suy giảm trầm trọng khiến cho các chị em không còn hứng thú với chuyện chăn gối.
- Đối với nam giới: Nồng độ hormone testosterone suy giảm cũng là nguyên nhân gây nên rối loạn cương dương làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống vợ chồng. Hiện nay, tình trạng rối loạn cương dương ngày một có xu hướng trẻ hoá do thói quen thức khuya hoặc uống rất nhiều bia rượu của giới trẻ. Theo nghiên cứu có hơn 79% phái mạnh bị rối loạn cương dương là do thiếu hụt testosterone. Và trong một nghiên cứu tại Mỹ, các nhà khoa học đã nhận định, nếu nam giới thiếu ngủ trong một tuần thì nồng độ testosterone sẽ giảm đến 15%.
Vậy thức khuya là khi nào? Mấy giờ là thức khuya?
Vậy thức khuya là mấy giờ? Có thể nhiều người sẽ nói rằng thức khuya là 11h đêm, 12h đêm, nhưng theo đánh giá của các bác sĩ, không thể nói rằng 11h, 12h đêm là thức khuya được. Nhiều người nhầm lẫn rằng việc áp dụng một khung giờ “hoàn hảo” cho tất cả mọi người là hợp lý, nhưng điều này quả thật chưa đúng.
Đối với những người khác nhau, giờ làm việc, giờ ngủ và mức độ căng thẳng khác nhau. Đối với bạn, có thể bạn thường đi ngủ sớm, trước 11h đêm, nhưng đối với một số người làm việc ca đêm, thì có thể 11h họ mới bắt đầu làm việc nên không thể áp đặt thời gian biểu của bạn cho họ được. Ngoài ra, đối với những người quen ngủ ngày, họ thường thức quá 11h, 12h đêm sau đó mới đi ngủ, thì những người như vậy chỉ có thể gọi là ngủ muộn, không hẳn là thức khuya.
Các bác sĩ khẳng định rằng, mấu chốt của việc bạn có thức khuya hay không, nó không nằm ở việc bạn ngủ lúc mấy giờ, mà là chất lượng và thời gian của giấc ngủ.
Thời gian ngủ tốt nhất là mấy giờ?
Hiệp hội Giấc ngủ Anh Sleep Council hoàn toàn ủng hộ khoảng thời gian 22 - 23 giờ đêm: “Đây là thời điểm lý tưởng vì đó là khi nhiệt độ cơ thể và mức độ hoóc môn căng thẳng cortisol, bắt đầu giảm xuống. Khi não cũng sẽ bắt đầu sản xuất hoóc môn gây ngủ melatonin, khiến bạn dễ chìm vào giấc ngủ”.
Trước nửa đêm là lúc cơ thể thư giãn nhất. Tiến sĩ Nerina Ramlakhan, từ London (Anh), chuyên gia về giấc ngủ nổi tiếng và thường xuyên tổ chức các chương trình và hội thảo về giấc ngủ, cho biết: "Giai đoạn 90 phút trước 12 giờ đêm là một trong những giai đoạn mạnh mẽ nhất của giấc ngủ, bởi vì đó là giai đoạn cơ thể được tái tạo. Cơ thể sẽ được trẻ hóa ở mọi cấp độ - thể chất, tinh thần, cảm xúc và cả tâm hồn. Có rất nhiều sự phục hồi diễn ra trong giai đoạn đầu của giấc ngủ"
22 giờ 10 phút đêm chính là thời gian tốt nhất để đi ngủ
Một nghiên cứu năm 2018 đã chứng minh 22 giờ 10 phút đêm là thời gian tối ưu để tắt đèn.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đây là giờ đi ngủ của những người có thói quen ngủ đều đặn nhất và điều này tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh hơn - 82% những người có thói quen đi ngủ đều đặn cũng có chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục tốt hơn, và 74% những người ngủ đều đặn cũng dễ duy trì cân nặng hơn.
Bắt đầu “giảm tốc” dần từ khoảng 21 giờ 30, sẽ giúp cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ vào lúc 22 giờ tối, để gặt hái được nhiều lợi ích nhất.
Theo Women's Health, giai đoạn này, cơ thể mất 20 phút để chìm vào giấc ngủ, tiếp đến là 90 phút của giai đoạn đi vào giấc ngủ sâu, vào trước 12 giờ đêm, khi mà cơ thể có thể thực hiện tất cả các hoạt động phục hồi cần thiết.
Ngoài ra, lập kế hoạch chu kỳ ngủ có thể tạo ra một cảm giác khác biệt.
Mỗi chu kỳ ngủ kéo dài khoảng 90 phút, trong đó, giấc ngủ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Để thức dậy sảng khoái nhất, bạn nên lên kế hoạch ngủ sao cho khi thức dậy sẽ ở vào thời điểm kết thúc một chu kỳ ngủ.
Vì giai đoạn đi vào giấc ngủ sâu chính là giai đoạn phục hồi sâu hơn, ngủ 90 phút trước 12 giờ đêm có thể phục hồi các bộ phận khác nhau của não và cơ thể mà nếu ngủ muộn hơn sẽ không làm được, thời báo Time lưu ý.
Nên bắt đầu chu kỳ ngủ đi vào giấc ngủ sâu này sớm - trước 12 giờ đêm, vì cơ thể thực sự cần ngủ sâu và phục hồi trước nửa đêm.
Tuy nhiên, lưu ý rằng không cần phải tuân thủ thật chính xác giờ giấc. Sleep Council cảnh báo: “Tốt nhất là tập thói quen ngủ phù hợp với bạn. Một số người không thể ngủ sớm, đừng ép bản thân đi ngủ lúc 22 giờ đêm. Lời khuyên tốt nhất là hãy tìm thời gian đi ngủ phù hợp với bạn và cố gắng tuân thủ để tạo thành thói quen”.
Nhưng nói chung, việc khởi động giấc ngủ sớm hơn có thể giúp phục hồi lại hệ thống cơ thể một cách đầy đủ nhất.
Vì vậy, quá dễ để yêu thương cơ thể - hãy đi ngủ sớm hơn bạn nhé!
Để lại bình luận
5