- Kinh Nguyệt Ít - Chị Em Nên Cảnh Giác với 5 Vấn Đề Sức Khỏe Quan Trọng
- Những dấu hiệu cảnh báo mất cân bằng nội tiết tố nữ
- Nguyên nhân gây suy giảm và mất cân bằng nội tiết tố nữ
Buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt không phải là hiện tượng hiếm gặp ở nhiều chị em. Dù là hiện tượng bình thường nhưng nó lại gây ra không ít phiền hà, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của nhiều người. Chính vì vậy trong bài viết dưới đây, Reviews365 sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và biết cách khắc phục tình trạng này.
1. Nguyên nhân gì khiến chị em buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt
Để có thể biết cách chữa buồn nôn nôn trong kỳ kinh nguyệt thì trước tiên bạn phải biết được nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng này. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nhiều chị em bị buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt:
Do đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến phụ nữ bị buồn nôn mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Đau bụng kinh được chia ra làm 2 loại đó là đau bụng kinh thứ phát và nguyên phát.
- Đau bụng kinh nguyên phát:Cơn đau bụng kinh do co thắt tử cung gây ra được gọi là nguyên phát. Lý do xảy ra hiện tượng này là do hormone prostaglandin được sản sinh nhiều bất thường ở niêm mạc tử cung và kiểm soát cơn co thắt.
- Đau bụng kinh thứ phát: Nếu do các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh gây ra thì được gọi là đau bụng kinh thứ phát.
Bên cạnh đó tử cung sẽ co bóp mạnh hơn khi đến kỳ kinh để đẩy máu đi ra ngoài khiến bụng dưới bị đau và chị em cảm thấy buồn nôn.
Do hormone thay đổi đột ngột
Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, hormone trong cơ thể phụ nữ có sự thay đổi. Lúc này nồng độ nội tiết trong cơ thể chị em có thể tăng giảm thất thường. Chính việc thay đổi nồng độ estrogen và progesterone đột ngột khiến xuất hiện triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi.
Do bị bệnh viêm dạ dày
Người bị viêm dạ dày thường có các dấu hiệu ợ nóng, buồn nôn, vùng thượng vị đau mỗi khi chế độ sinh hoạt kém lành mạnh như thưc khuya, ăn uống không điều độ. Tuy nhiên, bên cạnh bệnh viêm dạ dày thì khi đến kỳ kinh cũng khiến hormone thay đổi, kích thích dạ dày tiết nhiều acid hơn, gây buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt.
Do bệnh lý phụ khoa
Phụ nữ thường rất dễ mắc phải các căn bệnh phụ khoa do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó có thể kể đến như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng,... Khi mắc các bệnh lý này có thể dẫn tới hiện tượng buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Do stress, căng thẳng
Cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, mệt mỏi từ học tập, công việc, gia đình khiến người phụ nữ bị stress. Khi bị stress, nồng độ hormone trong cơ thể phụ nữ giảm xuống, từ đó khiến cho tử cung co bóp mạnh, gây đau bụng, buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt.
2. Buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm hay không là nỗi quan tâm của nhiều chị em phụ nữ. Theo các chuyên gia, buồn nôn khi đến kỳ kinh là hiện tượng thường gặp, nó ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thông thường cơn buồn nôn cũng sẽ biến mất sau khi chị em hết kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên với những trường hợp buồn nôn do mắc bệnh phụ khoa thì sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì bệnh phụ khoa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
3. Những cách khắc phục buồn nôn khi đến kỳ kinh nguyệt
Buồn nôn khi đến kỳ kinh có thể được khắc phục ngay tại nhà bằng những cách sau:
Sử dụng trà gừng
Uống trà gừng là một trong những cách hiệu quả giúp khắc phục hiện tượng buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Gừng là loại củ có tính ấm, vì thế khi đến kỳ kinh, uống trà gừng giúp giảm cơn đau bụng kinh, từ đó làm giảm cảm giác buồn nôn.
Massage bụng dưới
Massage vùng bụng dưới để giúp tử cung bớt co thắt và tăng tuần hoàn máu. Từ đó giảm được các cơn đau bụng cũng như buồn nôn được cải thiện.
Chườm ấm bụng
Đây cũng là một trong những cách đơn giản mà hiệu quả để khắc phục tình trạng buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Nhiệt độ từ túi chườm sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, giãn cơ trơn tử cung từ đó giảm thiểu co thắt, đau bụng, buồn nôn.
Lưu ý khi chườm ấm là bạn nên chườm vụng bụng dưới, không dùng nước quá nóng, chỉ khoảng 60 - 70 độ C. Thời gian chườm là khoảng 15 đến 20 phút và nên chườm khi vào ngày đầu kỳ kinh.
Sử dụng quế
Trong cây quế có chứa eugenol, đây là hợp chất giúp làm giảm cơn đau trong kỳ kinh và triệu chứng buồn nôn.
4. Mẹo phòng ngừa buồn nôn khi đến kỳ kinh nguyệt
Ngoài cách khắc phục thì bạn có thể áp dụng những cách phòng ngừa sau đây để tránh buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Bạn nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thực phẩm bổ máu sẽ rất tốt trong những ngày "đèn đỏ". Các loại thực phẩm bổ máu có thể kể đến như bí đỏ, gan động vật, ức gà, thịt bò,...
Ngoài ra bạn nên tránh xa các chất kích thích trước và trong những ngày hành kinh.
Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp chị em phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra cũng cần lưu ý vào những ngày hành kinh, chị em không nên tập luyện nhiều và vận động mạnh.
Ngủ đủ giấc
Hãy tập cho mình thói quen đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc để không làm hại đến cơ thể. Khi cơ thể ngủ đủ giấc, người không mệt mỏi sẽ làm việc hiệu quả, tránh căng thẳng, stress và giảm thiểu hiện tượng buồn nôn khi đến kỳ kinh nguyệt.
Bên cạnh đó chị em cũng không nên thức khuya, nghỉ ngơi nhiều hơn khi đang trong kỳ "đèn đỏ".
Với những thông tin trên đây, hy vọng đã giúp chị em hiểu hơn về hiện tượng buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Nếu tình trạng buồn nôn kéo dài và có những triệu chứng khác đi kèm thì bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác.
Để lại bình luận
5